Len lỏi qua các đường ngang ngõ tắt của Hà Nội, du kháchcó thể thấy những quán bia hơi ở mọi góc đường với những chiếc bàn nhựa cao đến đầu gối và những chiếc ghế hình bán nguyệt ken dày trên vỉa hè.
Bia hơi ở đây có nồng độ cồn thấp (chỉ từ 2 đến 4%). Bia được làm từ chế độ ủ không tiệt trùng, không chất bảo quản. Nó được sản xuất trước khi mặt trời mọc và thường được uống sạch trước khi hoàng hôn xuống. Nhiều người uống bia từ 8h sáng, bởi theo họ thì sau giờ này, hương vị thơm ngon nhất của bia bị giảm đi nhiều.
Những quán bia hơi ngon nhất ở Hà Nội đều phục vụ loại bia mát lạnh với mùi vị rõ ràng từ gạo và một chút thoang thoảng mùi của cây hoa bia (hublông). Ban ngày đi qua những quán này rất dễ gợi chuyện với dân địa phương. Nhưng vào buổi tối, những khách quen đi nhậu có vẻ quá bận rộn nói chuyện nên không để ý tới du khách ngang qua. Người bán hàng rong thì luôn lượn lờ xung quanh chào mời đồ ăn kèm như thịt nướng, mực khô, bánh bao nhân thịt và mỳ.
Tôi thử uống ở hai quán bia hơi tươi nhất trong thành phố là 22 Hàng Tre và 19C Ngọc Hà. Ở cả hai nơi, bia đều ít gắt, nhẹ và phảng phất mùi rơm và gạo - khác xa với những loại bia nồng độ cồn cao và mạnh mà người Mỹ quen uống. Nhiều tối, tôi đã lang thang ở khu vực ngã tư Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện, khu tập trung đông đúc du khách nước ngoài và những người Việt Nam nói tiếng Anh. Góc đường này còn được biết đến là góc bia hơi.
Bia ở đây lấy từ một nhà máy bia nhỏ, chất lượng thay đổi theo từng mẻ. Giá bia rất rẻ, "rẻ hơn cả nước lã", một người đàn ông Việt Nam nói vậy. Rẻ đến nỗi những dân địa phương thường mua một cốc uống thử xem chất lượng bia trong ngày thế nào trước khi quyết định có ngồi lại không.
Bia cũng giúp việc bắt chuyện ở những góc phố này trở nên thú vị hơn. Một tối tôi nói chuyện về bầu cử Mỹ với một kỹ sư hóa người Việt 26 tuổi. Ngày tiếp theo tôi lại chia sẻ kinh nghiệm trả tiền hoa hồng khi ăn tối ở New York với một cựu đầu bếp đến từ khu Queens, New York.
Vào ngày cuối cùng ở Hà Nội, sau khi thăm lăng Hồ Chủ tịch, tôi dừng chân ở góc bia hơi. Ngồi trên mép ghế nhựa ở vỉa hè, tôi nhìn những người bán hàng rong gánh xoài đi qua, những chiếc xe máy chở nhiều người và hàng hóa đánh võng trên đường. Thỉnh thoảng, tôi thấy các cô thiếu nữ đi dạo cùng bà trong bộ đồ ngủ và dép xỏ ngón.
Ngay sau đó, tôi cũng phải lao vào dòng người xuôi ngược trên phố và bị kẹt cứng trên đường tới sân bay. Thế nhưng sau khi nếm thử văn hóa bia hơi của thành phố này, tôi cũng không vội gì mà gói hành lý.