Dulichbui's Blog - Để giáo dục ý chí căm thù, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đồng thời tố cáo tội ác chế độ diệt chủng Pôn Pốt cho nhân dân trong nước và trên thế giới biết. Chính quyền tỉnh An Giang tiến hành xây dựng khu chứng tích tội ác Pôn Pốt ở giữa chùa Phí Lai và chùa Tam Bửu trên diện tích rộng 3000m2 thuộc ấp An Định Xã Ba Chúc.
Khu chứng tích tội ác này gôm bảy hạng mục công trình như sau: vòng rào, bia căm thù, nhà mồ, nhà tiếp khách, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen. Các công trình trên dây thì nhà mồ là công trình chính, các điểm kia là phụ để tô điểm cho công trình chính.
+ Nhà mồ:
Nhà mồ được xây dựng vào năm 1979. Nhà mồ có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu giương thẳng - thể hiện ý chí căm thù.
Chính giữa nhà mồ là khung hộp kiếng tám cạnh bằng nhau, chứa đựng 1159 xương cốt của những người dân vô tội bị quân Pôn Pốt thảm sát, số còn lại được bà con đem chôn cất. Từ ngoài cổng đi vào, du khách muốn lên tham quan nhà mồ phải bước qua chín bậc thềm thoải bằng nhàu, rồi mới đến di tích.
Để kéo dài tuổi thọ những bộ xương này, vào những năm đầu, ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi áo bên ngàoi xương tránh ôxi hóa, cả vật chống ẩm.
10 năm sau, số hài cốt nói trên có hiện tượng ngả màu và mục ở phần xương sụn và xương trẻ em. Cho nên, từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1989, Sở Văn hóa và Bảo tàng An giang đã tiến hành lấy số hài cốt này ra làm vệ sinh lau chùi rồi ngâm tẩm hóa chất formol, alcool vào, phơi khô. Lần bảo quản này, các bác sĩ nhân chủng học trong đó có giáo sư, tiến sĩ Michael Pietrewsky ở trường Đại học Hawail, Honolulu, Mỹ và bác sĩ Nguyễn Quang Quyền, trường Đại học Y Dược Tp.HCM chỉ đạo và tham gia trực tiếp.
Hàng năm vào những ngày giỗ kỷ niệm những người đã chết, nhân dân xã Ba Chúc tập trung tại nhà mồ cũng tế và gọi đây là ngày hội căm thù.
Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến thăm quan nhà mồ đều bùi ngùi cảm động thương tiếc những người đã chết.
Cụm di tích căm thù Ba Chúc, được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích căm thù, theo quyết định của Bộ Văn hóa mang số 92/VH-QĐ ký ngày 10/07/1980, vì có nhiều điểm bị thảm sát, nên chỉ phát 3 bằng công nhận cho 3 điểm tiêu biểu là: nhà mồ, chùa Tam Bửu, miếu An Định (tức Chùa Phi Lai).
Khu di tích nhà mồ Ba Chúc là một bảng cáo trạng, là một chứng tích về tội ác trời không dung, đất không tha của bọn diệt chủng Pôn Pốt, là một di chúc nhắc nhở mọi người ý thức cảnh giác và là vành tang chung cho dân tộc Việt Nam, cho những người yêu chuộng cuộc sống hòa bình trên thế giới.
Theo Trần Văn Đông (Trích Chứng tích tội ác Pôn Pốt)